TÔN GIÁO LÀ THUỐC PHIỆN CỦA NHÂN DÂN - CẦN HIỂU ĐÚNG LUẬN ĐIỂM CỦA MÁC

Thứ ba - 19/09/2023 09:34 290 0

Câu nói nổi tiếng trên của Mác viết trong tác phẩm: “Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hê-ghen - Lời nói đầu” [1]. Đây là một trong số những câu được trích dẫn và phân tích nhiều nhất từ khi tác phẩm ra đời cho đến nay.

 

Xin nói đôi điều về tác phẩm “Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hê-ghen”[2]. Tác phẩm được C.Mác viết  cuối 1843 đến tháng giêng 1844, đã đăng trong “Niên giám Pháp - Đức” năm 1844, ký tên C.Mác, nguyên văn bằng tiếng Đức. Lời nói đầu được viết sau khi tác phẩm “Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hê-ghen” ra đời. Đây là công trình ra đời trong thời gian hình thành chủ nghĩa Mác nói chung, triết học Mác nói riêng.

 

Câu hỏi thú vị là vì sao trong tác phẩm tập trung phê phán triết học pháp quyền của Hê ghen, mà Mác lại nói về tôn giáo?

 

Về bối cảnh lịch sử vào thời điểm này, tư tưởng triết học pháp quyền của Hê-ghen đang thống trị xã hội Đức, và tư tưởng của Hê-ghen về triết học là chủ nghĩa duy tâm. Đồng thời đây là giai đoạn Mác chuyển biến từ lập trường duy tâm sang duy vật, từ dân chủ cách mạng sang cộng sản chủ nghĩa. Mác viết tác phẩm này nhằm phê phán Triết học pháp quyền của Hêghen, về thực chất là tóm tắt những quan niệm duy tâm của Hêghen về xã hội, và qua đó phê phán chủ nghĩa duy tâm của Hêghen. Trong sự đối lập với Hêghen, C.Mác đi tới kết luận, không phải nhà nước quy định xã hội công dân, mà ngược lại, xã hội công dân quy định nhà nước. Việc làm nổi bật vai trò quyết định của mối quan hệ vật chất đối với sự phát triển của lịch sử đã mở ra con đường khắc phục quan niệm duy tâm của Hêghen về xã hội, làm tăng xu hướng duy vật trong tư tưởng và là điểm xuất phát nhận thức duy vật về lịch sử của C.Mác trong tương lai.

 

Trong tác phẩm Mác đề ra nhiệm vụ thông qua phê phán nhà nước pháp quyền của Hêghen để phê phán nhà nước quân chủ Phổ.

 

Trở lại vấn đề chính của tham luận, khi nói đến quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về tôn giáo, chúng ta thườngnghe đề cập đến luận điểm: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”.Nhiều nhà nghiên cứu về Mác - dù là ủng hộ hay chống Mác, thường trích dẫn luận điểm này nhưng đôi khi lại trích không đầy đủ và không đặt nó trong một hoàn cảnh lịch sử - cụ thể. Có những người do vô tình hoặc cố ý đã hiểu sai quan điểm này, từ đó quy chụprằng Mác luôn có thái độ phủ nhận vai trò của tôn giáo đối với đời sống con người.Ngay cả một số người người mácxít cũng hiểu chưa đúng về luận điểm này khi cho rằng Mác khi đưa ra luận điểm đó là nhằm đấu tranh xoá bỏ tôn giáo, phủ định tôn giáo.

 

Vậy hiểu như thế nào về câu nói của Mác cho đúng là vấn đề rất cần thiết cho mỗi chúng ta,giúp mỗi chúng ta sáng suốt nhìn nhận, tin tưởng tuyệt đối vào chính sách tôn giáo và giải quyết những vấn đề cụ thể liên quan đến tôn giáo của Đảng; vừa có cơ sở để vạch trần những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.

 

Trước hết xin trích nguyên đoạn văn tập trung vào nội dung này, Mác viết: “Sự nghèo nàn của tôn giáo vừa là biểu hiện của sự nghèo nàn hiện thực, vừa là sự phản kháng chống sự nghèo nàn hiện thực ấy. Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống nh­ư nó là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân.” [3]

 

Phân tích kỹ luận điểm của Mác, đồng thời đặt trong hoàn cảnh lịch sử - cụ thể, chúng ta mới có thể hiểu đúng ý của ông,đó là:Tôn giáo là chỗ dựa cho quần chúng nhân dân bị áp bức bóc lột trong một thế giới không có trái tim, không có tình yêu thương. Là tinh thần con người trong một xã hội đặt đồng tiền lên trên mọi giá trị đạo đức, pháp luật. Tôn giáo phản ánh sự đau khổ, nghèo nàncủa hiện thực. Khi nhân dân lao động đau khổ, bị áp bức đến cùng cực, họ không thể phản kháng, họ bất lực không tìm ra con đường thoát khỏi khổ đau thì tôn giáo chính là chỗ họ tìm đến để hy vọng một đấng siêu nhân nào đó ban phát cho họ cuộc sống tốt đẹp. Những hy vọng ấy là sự phản kháng yếu ớt chống lại đau khổ hiện thực.

 

Đặt trong hoàn cảnh cụ thể, ta cần giải thích ý nghĩa từ “thuốc phiện” (opium) vào thời điểm lịch sử cụ thể thời của Mác. Không thể lấy quan niệm về thuốc phiện như cách nhìn nhận của xã hội thời hiện đại để suy diễn rằng thời của Mác cũng vậy. Thuốc phiện trong tư tưởng chúng ta đó là một tệ nạn, đó là thứ khiến con người u mê, nghiện ngập, mất tỉnh táo, tệ nạn thuốc phiện cần phải bị tiêu diệt. Mặt khác, thuốc phiện là loại thuốc giảm đau được sử dụng trong y học. Cho đến tận bây giờ trong y học, các bác sĩ vẫn sử dụng một liều lượng thuốc phiện nhất định để giúp bệnh nhân vượt qua những cơn đau thể xác.

 

Vào thời của Mác, trên một số diễn đàn khoa học ở Đức, cũng có một số nhà nghiên cứu thường ví tôn giáo với thuốc phiện bởi thời bấy giờ, thuốc phiện được coi là thứ thuốc giảm đau mà các bác sĩ thường sử dụng để trị bệnh. Khi nêu lên luận điểm “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”, Mác đã coi tôn giáo như một liều thuốc xoa dịu những nỗi đau thực tại. Theo nghĩa khác, tôn giáo cũng là sự “ru ngủ” bằng những hạnh phúc ảo tưởng, làm tê liệt ý chí đấu tranh của nhân dân, và vì vậy, tôn giáo hay thuốc phiện cũng đều không thể nào xoá bỏ đi những nỗi đau thực tế.

 

Bởi vậy, theo Mác, cần xóa bỏ cái hạnh phúc ảo tưởng mà tôn giáo mang lại cho nhân dân, Mác viết: “Xóa bỏ tôn giáo, với tính cách là xóa bỏ hạnh phúc ảo tưởng của nhân dân, là yêu cầu thực hiện hạnh phúc thực sự của nhân dân. Yêu cầu từ bỏ những ảo tưởng về tình cảnh của mình cũng là yêu cầu từ bỏ cái tình cảnh đang cần có ảo tưởng. Do đó, việc phê phán tôn giáo là hình thức manh nha của sự phê phán cuộc sống khổ ải mà tôn giáo là vòng hào quang thần thánh của nó.” [4]

 

Cùng với việc đánh giá đúng nguồn gốc của tôn giáo - con người sáng tạo ra tôn giáo chứ tôn giáo không sáng tạo ra con người; bản chất của tôn giáo - là thế giới quan lộn ngược…; Mác cũng xác định: “nhiệm vụ của lịch sử - sau khi cái chân lý của thế giới bên kia đã mất đi - là xác lập chân lý của thế giới bên này. (…) Như vậy, phê phán thượng giới biến thành phê phán cõi trần, phê phán tôn giáo biến thành phê phán pháp quyềnphê phán thần học biến thành phê phán chính trị”. [5]

 

Vậy theo Mác, tôn giáo có mặt tích cực không? Theo Mác, tôn giáo không chỉ là thuốc phiện ru ngủ và xoa dịu nỗi đau con người mà còn là sự thức tỉnh trái tim con người: “thật nghịch lý là, thay vì tác động ru ngủ, thuốc phiện lại gây tác động thức tỉnh” [6]. Ở góc độ này, Mác đã nhận ra tính tích cực của tôn giáo trong cuộc đấu tranh giải phóng con người, là vũ khí đấu tranh của con người khi gắn liền với các cuộc đấu tranh, các cuộc cách mạng xã hội.

 

Tính hướng thiện của các tôn giáo đã được Mác nhấn mạnh cho thấy vai trò giáo dục đạo đức, nhân cách của tôn giáo. Cùng với đó, tôn giáo còn là nhu cầu tình cảm của con người, là một mặt trong đời sống tinh thần của con người; do đó, nếu chỉ nhấn mạnh đến mặt tiêu cực thì sẽ không thấy được những tác dụng xã hội của tôn giáo đối với sự phát triển của xã hội con người.

 

Kế tục tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo, tín ngưỡng, Đảng ta luôn đề ra đường lối, chính sách đúng đắn về tôn giáo, tín ngưỡng. Nghị quyết số 24 (16/10/1990) của Bộ Chính trị “Về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới” đã đưa ra những luận điểm quan trọng, có tính đột phá: Tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; tôn giáo có những giá trị văn hóa, đạo đức phù hợp với chế độ mới. Ngày 12/3/2004, Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW về công tác tôn giáo, Nghị quyết khẳng định tín ngưỡng và tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận Nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết dân tộc… Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước”, “Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội”…

 

Với vai trò là những người chiến sĩ trên mặt trận lý luận, mỗi chúng ta cần nghiên cứu đầy đủ, hiểu một cách đúng đắn những luận điểm của Mác về tôn giáo nói riêng, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng ta về vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng, góp phần xứng đáng vào cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch, không để kẻ thù xuyên tạc, lợi dụng để chống phá Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa tươi đẹp của chúng ta./.

 


[1]C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, NxbCTQG,H.1995,  T.1, trang 569-590.

[2]Sđd, trang 309-506.

[3]Sđd, trang 570

[4]Sđd, trang 570

[5]Sđd, trang 570

[6]C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia,Hà Nội, 2004, tập15, tr.682

 


 

Tác giả bài viết: ThS. Trần Hoài Sơn - Trường Chính trị tỉnh Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập16
  • Hôm nay637
  • Tháng hiện tại10,525
  • Tổng lượt truy cập574,616
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây